Hội thảo “Trị liệu công nghệ cao: Tế bào và Gen”

Chiều ngày 8 tháng 11 năm 2023, Trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học Dược Châu Á 2023 (Asian Federation Pharmaceutical Science - AFPS 2023), Hội thảo vệ tinh “Trị liệu công nghệ cao: Tế bào và Gen” do Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Dược Hà Nội chủ trì đã được tổ chức.

Về phía Bộ Y tế Việt Nam, hội thảo vinh hạnh được đón: PGS. TS. Lê Việt Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược và TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo; Đại diện cho cơ quan quản lý y tế Úc là hai chuyên gia TS. Paul Brady Huleatt TS. Karen Jean Loft đến từ Therapeutic Goods Administration – TGA, Úc. Hội thảo còn có sự tham dự của các đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia đến từ các tổ chức trong nước và quốc tế; các Viện nghiên cứu, các Bệnh viện và các trường Đại học trong cả nước. Hội thảo  là diễn đàn để kết nối, chia sẻ những thành tựu và thách thức về mặt kỹ thuật cũng như công tác quản lý trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng Liệu pháp Gen và Tế bào.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà NộiPGS. TS. Lê Việt Dũng, đại diện Bộ Y tế đều khẳng định Thuốc sinh học, sinh phẩm điều trị và các sản phẩm trị liệu công nghệ cao là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó. Hội thảo chuyên đề với các báo cáo, thảo luận liên quan đến khía cạnh kỹ thuật cũng như công tác quản lý đối với các sản phẩm thuốc sinh học công nghệ cao là thực sự cần thiết và phù hợp trong khuôn khổ một Hội nghị Dược tầm cỡ thế giới và khu vực như AFPS 2023.

GS. TS. Nguyễn Hải Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Mở đầu buổi Hội thảo, TS. Martin O’Kane, Trưởng bộ phận Quy chế Chính sách và Kết nối khu vực châu Âu, Tập đoàn Dược phẩm Novartis đã mang đến báo cáo chủ đề “Tổng quan về cơ chế pháp lý của châu Âu cho các thuốc công nghệ cao”. Báo cáo đã mang tới một cái nhìn tổng quan về khung pháp lý của EMA trong quản lý các sản phẩm trị liệu công nghệ cao từ gen và tế bào, với những cải tiến không ngừng theo hướng hỗ trợ sự phát triển của loại sản phẩm trị liệu đặc biệt này.

Tiếp theo, các bài trình bày của TS. Lawrence C. Starke, Trưởng bộ phận Thông tin và Chính sách về CMC cho Trị liệu Gen và Tế bào, Tập đoàn Dược phẩm NovartisTS. Karen Jean Loft - Đại diện Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc đã cho thấy những khó khăn thách thức từ các khâu nghiên cứu phát triển cho tới sản xuất, kiểm nghiệm, đảm bảo chất lượng của các trị liệu tiên tiến, đòi hỏi phải có những thay đổi đồng bộ và phối hợp giữa các bên liên quan để khắc phục các thách thức đó, đồng thời cũng đưa đến một góc nhìn cụ thể về cơ chế quản lý trị liệu gen và tế bào của Úc, một quốc gia phát triển về chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Kết thúc phần báo cáo là bài trình bày của của PGS.TS Phạm Thị Thúy Vân - Phó Trưởng phụ trách Khoa Dược lý - Dược Lâm sàng, Trường Đại học Dược Hà Nội nhằm làm rõ thực trạng, các khó khăn và thách thức trong “Quản lý thuốc sinh học và các liệu pháp điều trị tiên tiến tại Việt Nam”.

Phần báo cáo của TS. Karen Loft (TGA - Úc)

Sau các báo cáo chuyên sâu, phần tọa đàm mở với sự dẫn dắt của PGS. TS. Phùng Thanh Hương, Trưởng Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Dược Hà Nội, Trưởng tiểu ban tổ chức Hội thảo đã diễn ra rất sôi nổi. Rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của các đại biểu tham dự trực tiếp tại hội trường cũng như đại biểu tham gia trực tuyến đã được các khách mời tọa đàm giải đáp phần nào.

Các khách mời tham gia phần tọa đàm

Hội thảo “Trị liệu công nghệ cao – Tế bào và Gen” thành công tốt đẹp, hứa hẹn đã mở ra thêm những chủ đề mới, những cơ hội hợp tác mới cho các hội nghị, hội thảo chuyên đề về thuốc và sản phẩm sinh học tiên tiến trong tương lai.

Các đại biểu, khách mời tham gia Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo “Trị liệu công nghệ cao: Tế bào và Gen


15-11-2023

26 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL