DS VŨ CÔNG THUYẾT - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

 DS VŨ CÔNG THUYẾT - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP


New Bitmap Image.bmp

(Sinh 02/4/2015 - mất ngày 6/7/1994)

Dược sĩ Vũ Công Thuyết sinh ngày 02/4/1915 tại Hà Nội, là con út trong gia định có 4 người con. Cụ thân sinh là một giáo viên dạy tiếng Pháp, quê ở làng Trình Xuyên (nay là xã Liên Bảo), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông sinh ra trong một gia đìnhcông giáo, trí thức có truyền thống yêu nước,năm 1930 bố, mẹ mất khi ông mới 15 tuổi, ông được anh cả là BS. Vũ Đình Tụng (sau này là Bộ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội) đã nuôi ông ăn học.Sau khi thi đậu tú tài ông chọn nghề thuốc với hy vọng lập nghiệp và có điều kiện cứu dân độ thế.

Năm 1938 ông thi đậu và bắt đầu học tập và thực hành nghề thuốc tại Trường Y Dược Đông Dương. Được giác ngộ cách mạng ông đã sớm hòa nhập với các phong trào của học sinh, sinh viên và tầng lớp trí thức yêu nước và đặt nền móng cho hoạt động của Đảng trong Trường Y Dược Đông Dương. Ông đã hăng hái tham gia hoạt động phong trào yêu nước trong Tổng hội Sinh viên Việt Nam cùng các bạn Vũ Văn Cẩn (sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Dương Hồng, Nguyễn Sĩ Dư,…

Năm 1942 ông tốt nghiệp dược sĩ, làm việc tại bệnh viện Lannessen(còn gọi là bệnh viện Đồn Thủy)và được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Dược. Trong thời gian này ông cùng với các bác sĩ, dược sĩ tham gia tuyên truyền vệ sinh, bảo vệ sức khỏe và vận động quyên góp tiền, thuốc men để cứu chữa cho dân nghèo, Phong trào đã có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong nhân dân và trí thức y dược.

Năm 1944 ông tham gia Mặt trận Việt Minh.Tháng 7/1945 ông được cử từ Hà Nội lên Tân Tràovới vai trò nhân viên y tế phục vụ cho các đại biểu dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào.Sau khi ở tân trào ông trở lại tiếp tục quản lý kho thuốc bệnh viện đồn Thủy, ông quản lý kho thuốc không để thất thoát, khi Cách mạng Tháng 8 thành công ông bàn giao kho thuốc đó cho mặt trận Việt Minh để cứu chữa thương, bệnh binh.khi Nhật đảo chính Pháp ông đã vận động đồng nghiệp chuẩn bị tinh thần lên chiến khu tham gia và phục vụ đội ngũ vũ trang cách mạng, Mặt trận Việt Minh. Tích cực vận động, quyên góp thuốc men (chủ yếu là thuốc sốt rét) để chuẩn bị cho công tác y tế khi tổng khởi nghĩa nổ ra.Ông là một trong hai người làm công tác y tế đầu tiên trong lực lượng giải phóng quân lúc đó (DS Vũ Công Thuyết và BS Lê Văn Chánh).

Đầu năm 1945 ông lập tổ cứu thương theoĐội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến đánh vào Thị xã Thái Nguyên. Trận đánh kết thúc ông cùng các đồng nghiệp lo cứu chữa thương binh tại Bệnh viện Thái Nguyên.Ông là một trong những người đặt nền móng xây dựng Cục Quân y và ngành Dược Quân đội.

Cách mạng Tháng 8 thành công,ông được Chính phủ lâm thời trưng tập vào làm công tác y tế phục vụ trong Vệ quốc đoàn. Do nhu cầu lớn về nhân lực y dược, trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn về chuyên môn dược, ông được bổ nhiệm làm giảng viên Trường Đại học Y Dược Việt Nam. Cùng với các DS Huỳnh Quang Đại, DS Đỗ Tất Lợi, BS Vũ Văn Cẩn đã đề xuất với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế mở hệ đào tạo dược sĩ trong ngành Quân dược. Được sự giúp đỡ của Giáo sư Hồ Đắc Di hệ đào tạo dược sĩ trong ngành Quân dược đã được chuẩn y và sớm bắt tay vào đào tạo. Trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), để chuẩn bị công tác y tế phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ, ông đã cùng các đồng nghiệp (trong đó có DS. Hoàng Xuân Hà và các sinh viên Nguyễn Văn Đàn, Vũ Ngọc Lộ, Đặng Hanh Khôi, Hoàng Bá Long,…) đề xuất lập ra Phòng Bào chế thuốc, ngày 29/4/1946 Phòng Bào chế thuốc được thành lập và đặt tại Ba Thá (Hà Đông). Cùng với các chiến sỹ, đồng nghiệp ông đã chuẩn bị được hơn 10 tấn thuốc về tại Ba Thá trước ngày toàn quốc kháng chiến.Đó là vốn liếng của ngành y tế cách mạng chuẩn bị cho kháng chiến trước mắt và lâu dài.

Năm 1947 ông được bổ nhiệm làm Cục phó Cục Quân y, kiêm Phụ trách Ban Quân dược đại học.Sau Hội nghị quân y lần thứ 8, cuối tháng 8/1948, Cục Quân y thành lập Nha quân dược để chỉ đạo thống nhất ngành Dược trong Quân đội và để quản lý, chỉ đạo chuyên môn, do dược sĩ Vũ Công Thuyết làm Giám đốc.

Trong cương vị nào DS Nguyễn Công Thuyết vẫn trực tiếp phụ trách việc sản xuất dược trong ngành Quân y, lo toan đủ thuốc men và các vật tư y tế cho quân đội và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp.Trong đợt phong quân hàm đầu tiên ông được phong hàm thượng tá.

Năm 1959 Chính phủ điều ông sang Bộ Y tế để xây dựng ngành Dược và được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Dược chính, sau đó là Cục trưởng Cục Dược chính và Sản xuất. Với kiến thức, kinh nghiệm, trình độ và tác phong dân chủ, giản dị, quần chúng, ông đã đóng vai trò chủ đạo đặt nền móng cho công cuộc xây dựng nền công nghiệp dược nói riêng và ngành Dược Việt Nam nói chung vừa hiện đại, vừa dân tộc.

Năm 1960, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Dược học và Phó Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam.Ông là Chủ tịch đầu tiên và lâu năm nhất của Hội Dược học Việt Nam.Trải qua 6 khóa (24 năm) làm Chủ tịch Hội, ông đã cùng các vị lãnh đạo Hội kết hợp những lần đi công tác địa phương để tổ chức phát triển Hội. Cuối năm 1960 ra Tập san Dược học (tiền thân của Tạp chí Dược học ngày nay) để thông tin kịp thời những chủ trương đường lối phát triển ngành Dược, những tiến bộ khoa học, những sáng kiến cải tiến trong công tác, những kết quả nghiên cứu khoa học về Dược… đến các dược sĩ và các tổ chức cơ sở của Hội.

Ngày29/9/1961Bộ Y tế quyết định táchTrường Đại học Y Dược Việt Nam thành hai trường là Trường Đại học Y khoa vàTrường Đại học Dược khoa.Sau 2 năm chuẩn bị, Trường đại học Dược khoa mới đi vào hoạt động.Tháng 10/1963, DS Vũ Công Thuyết được Chính phủ bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Dược khoavà được thành ủy Hà Nộichỉ định kiêm bí thư đảng ủy lâm thời. Tháng 2/1964 đảng bộ trường đại học Dược khoa Hà Nội đại hội lần thứ nhất, đồng chí Vũ Công Thuyết được bầu làm Bí thư Đảng ủy như vậy DS Vũ Công Thuyết là Hiệu trưởngđầu tiên kiêm Bí thư Đảng ủy kể từ khi tách Trường).Trên cương vị Hiệu trưởng ông đã cùng tập thể đảng ủy, Ban giám hiệu quan tâm đầu tư xây dựng Trường đại học Dược khoa Hà Nội. Từ một ban Dược với hơn 40 cán bộ nhân viên tách ra thành lập trường, ông đã tập trung thành lập các bộ môn, các phòng ban, tách các bộ môn, phòng ban cho phù hợp với sự phát triển nhà trường như tách các bộ môn toán lý; hóa sinh, phòng giáo vụ, quản trị, giáo tài…đi đôi với việc tách thành các bộ môn, đơn vị riêng, ông rất coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng để nhà trường phát triển vững chắc. Ông quan tâm phát triển công nghiệp dược, ông ủng hộ đề xuất của đồng chí Lê Quang Toàn và cho thành lập bộ môn Công nghiệp dược; năm 1966 ông đề xuất với Bộ Y tế bổ nhiệm hai phó hiệu trưởng là đ/c Lê quang Toàn và Đinh Đức Tiến. Cuối năm 1964 Đế quốc mỹ ném bom phá hoại miền Bắc,Nhà trường phải đi sơ tán, ông đã cùng tập thể Đảng ủy, Ban giám hiệu lãnh đạo điều hành và tổ chức xây dựng lán, trại, phòng học tiếp tục duy trì giảng dạy, động viên mọi cán, sinh viên khắc phục khó khăn, phấn đấu giành kết quả cao trong học tập, nghiên cứu khoa học, xung phong nhập ngũ vào chiến trường B và đảm bảo thuốc chăm sóc cứu chữa thương binh.ieêuệu trưoơngởngQua các tài liệu lưu trữ về Trường, chúng ta thấy ông có nhiều duyên nợ với công tác đào tạo dược sĩ: từ sau Cách mạng Tháng 8, ông đã được bổ nhiệm làm giảng viên Trường Đại học Y Dược Việt Nam; 9 năm kháng chiến chống Pháp với trọng trách Phó Cục trưởng Cục Quân y, ông vẫn tham gia đào tạo dược sĩ đại học từ khóa 1 trở đi. Mặt khác ông rất quan tâm đến việc trang bị kiến thức thực tế về sản xuất, bảo quản thuốc, sử dụng cây cỏ làm thuốc cho các dược sĩ đi phục vụ chiến trường giải phóng miền Nam. Các dược sĩ xung phong đi B ngày ấy vẫn còn nhớ mãi hình ảnh thầy Hiệu trưởng Vũ Công Thuyết ra tận sân ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội) bắt tay và dặt dò từng người, chờ cho tàu chạy, vẫy tay lưu luyến tiễn đưa.

Tháng 4/1966, ông được Chính phủ bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ y tế. Trong hơn 10 năm làm Thứ trưởng, ông đã tích cực xây dựng ngành Dược Việt Nam chính quy, hiện đại, phát huy thế mạnh Y Dược học cổ truyền, phát triển phong trào thuốc Nam, châm cứu tuyến huyện xã; điều tra,tổ chức khai thác và bảo vệ tốt nguồn dược liệu thiên nhiên; phát triển nuôi trồng và di thực các dược liệu chủ yếu; phát động phong trào an toàn hợp lý cho người dùng thuốc.

Trong kháng chiến chống Mỹ ông đã chủ trương xây dựng các xưởng dược ở tất cả các tỉnh, nhằm cung cấp ngay tại chỗ, phát huy tiềm năng dược liệu của địa phương.Ông là người kiên trì thực hiện kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, xây dựng vùng trong dược liệu để sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt quan tâm xây dựng công nghiệp kháng sịnh.

Cuối năm 1976 ông được nghỉ hưu theo chế độ, tuy nghỉ hưu nhưng ông vẫn tham dự các cuộc Hội thảo khoa học và là Phó Chủ tịch Hội đồng Dược điển, Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam cho đến năm 1980.

Sau hơn 30 năm thoát ly, ông thể hiện là con người lao động không mệt mỏi, luôn công tác và cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Trên mọi cương vị, ông luôn có sự hy sinh lớn lao và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần lớn xây dựng ngành Dược không ngừng phát triển.Sau khi nghỉ công tác ông vẫn thường xuyên tập luyện dưỡng sinh, bơi lội, đánh quần vợt ở Câu lạc bộ Thăng Long.

Do một tai nạn giao thông, ông đã từ trần ngày 6/7/1994, hưởng thọ 80 tuổi. Đám tang của ông được tổ chức tại 13 Lê Thánh Tông - nơi mà trước đó ông đã từng học, từng làm việc. Ông ra đi nhưng mọi tình cảm và gương sáng trong cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn được ghi đậm trong lòng các thế hệ tiếp nối.

Nói về ông, trong cuốn sách “Hội viên và những kỷ niệm sâu sắc của các cựu sĩ quan quân dược” (xuất bản 1996) có viết: “Cả một cuộc đời tận tụy với sự nghiệp của ngành Dược cả quân và dân, trên tất cả mọi lĩnh vực sản xuất phân phối, nghiên cứu khoa học, đào tạo, kết hợp giữa y học dân tộc với y học hiện đại, quản lý ngành từng bước với sự lớn mạnh của đất nước từ lúc mới hình thành chế độ mới. Một con người của đức độ Cần, Kiệm, Liêm, Chính hết lòng vì công việc, điềm đạm, thân ái được mọi người kính trọng và quý mến. Ông là một tấm gương sáng nhất của ngành Dược”

Đánh giá công lao to lớn của ông trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ thắng lợi và xây dựng ngành Dược Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã trao cho ông nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có: Huân chương Chiến công hạng II, Huân chương Chiến thắng hạng I, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng III, Huân chương Độc lập Hạng nhì… ./.

 ​


18-01-2016

84 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL