Hội thảo quốc tế trực tuyến về “Đổi mới chương trình đào tạo dược bậc đại học” năm 2022

Hội thảo quốc tế trực tuyến về “Đổi mới chương trình đào tạo dược bậc đại học” được tổ chức bởi Trường Đại học Dược Hà Nội phối hợp với Đại học Illinois Chicago; Đại học Mahidol, Đại học Sydney, Đại học Y Đài Bắc và Trường Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh. Hội thảo được tổ chức trong 2 ngày 30-31/03/2022 với sự tham dự với 14 báo cáo viên đến từ các CSGD trong và ngoài nước, và khoảng 340 đại biểu đến từ 26 cơ sở giáo dục trong nước và 08 CSGD ngoài nước cùng đại diện Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Hội nghề nghiệp và các cơ sở tham gia đào tạo thực hành lĩnh vực dược của Việt Nam. Hội thảo được tổ chức với 3 chủ đề về “Đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng CNL dược sĩ”; “ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số trong tổ chức đào tạo”; “Đảm bảo chất lượng và kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề”.

Anh 1.jpg

Với vai trò là trường đi đầu trong đào tạo và NCKH lĩnh vực dược, tại Quyết định số 4018/QĐ-BYT ngày 19/08/2022 về ban hành Kế hoạch hoạt động triển khai thực hiện quyết định 436/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Khung trình độ quốc gia Viêt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học thuộc khối ngành sức khỏe, giai đoạn 2020-2025, Trường Đại học Dược Hà Nội được Bộ Y tế giao là trường đầu mối xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo ngành dược quốc gia làm cơ sở cho các CSGD đào tạo dược bậc đại học ở Việt Nam thực hiện tái cấu trúc và đổi mới chương trình.

Anh 2.jpg
Năm 2019, Chuẩn năng lực dược sĩ đã được Trường Đại học Dược Hà Nội là đầu mối xây dựng và đượcphê duyệt bởi Bộ Y tế. Hội thảo “Đổi mới chương trình đào tạo dược bậc đại học” được thực hiện với mục tiêu: (i) Thực hiện một trong các bước của tiến trình xây dựng chuẩn chương trình đạo tạo theo quy định của pháp luật Việt Nam; (ii) Chia sẻ và học tập kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới trong đổi mới chương trình đào tạo và phương thức tổ chức đào tạo; (iii) Chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số trong tổ chức đào tạo lĩnh vực sức khoẻ, đặc biệt trong và sau đại dịch Covid 19; (iv) Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong đảm bảo chất lượng đào tạo thông qua kỳ thi quốc gia về cấp chứng chỉ hành nghề dược.

Anh 3.jpg
Đại diện Bộ Y Tế, TS. Phạm Văn Tác đã có bài phát biểu tại Hội thảo, ông nhấn mạnh “Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới theo hướng đa phương hoá, Việt Nam là bạn với tất cả các nước, là đối tác tin cậy. Chủ trương của Chính phủ Việt Nam về đổi mới đào tạo dược sĩ trình độ đại học: (i) đến năm 2025: đạt 2,8 dược sĩ/ 10.000 dân; đến 2030:  đạt 3,0 dược sĩ/ 10.000 dân; (ii) Đổi mới căn bản hệ thống giáo dục quốc dân trong đó có dược sỹ đại học; (iii) Xây dựng chuẩn năng lực dược sĩ đại học đáp ứng nhu cầu thực tế; (iv) Bộ Y Tế giao Trường Đại học Dược Hà Nội là đầu mối xây dựng khung chương trình đào tạo dược quốc gia với thời gian đào tạo xác định là 5 năm liên tục. Chương trình cần quan tâm tăng cường thời lượng về dược bệnh viện và dược cộng đồng. Bộ Y Tế mong muốn hội thảo sẽ là diễn đàn chia sẻ thông tin của các CSGD đào tạo dược trình độ đại học trong và ngoài nước trong nâng cao chất lượng đào tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 trong tổ chức và quản lý đào tạo, trong đảm bảo chất lượng đào tạo theo pháp luật của mỗi nước và thực trạng của CSGD cũng như nhu cầu xã hội”.

Tại Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng, đại diện Lãnh đạo Trường Đại học Dược Hà Nội cho rằng “Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động với những thách thức ngày càng gay gắt như đại dịch Covid 19. Do đó, Đào tạo Dược đang trải qua một bước chuyển đổi đáng kể để nâng cao hiệu quả hành nghề dược và cải thiện công tác chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh. Người dược sĩ ngày nay không chỉ cấp phát thuốc mà hướng tới các dịch vụ tiên tiến hơn như hệ thống an toàn thuốc toàn diện, hợp tác quản lý thuốc và cải thiện quá trình chuyển đổi của dịch vụ chăm sóc dược phẩm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi các dịch vụ chăm sóc người bệnh đòi hỏi các dược sĩ lâm sàng cần được đào tạo như các nhà giáo dục có chuyên môn và năng lực hỗ trợ việc triển khai và thực hiện nhiệm vụ chăm sóc dược của họ. Hệ thống giáo dục và cơ cấu quản lý của chính phủ được áp dụng phải phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở một quốc gia hoặc khu vực, cũng như khả năng và đào tạo của các thành viên trong nhóm chăm sóc sức khỏe. Để đạt được mục tiêu này, các thay đổi nhằm đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo dược đáp ứng Chuẩn năng lực dược sĩ cần được thực hiện. Nhu cầu này đặc biệt cấp thiết ở Việt Nam” và GS. Nam cũng hy vọng “những chủ đề của Hội thảo và kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo sẽ hữu ích cho các nhà giáo dục và CSGD Dược trong một thế giới đang luôn đổi mới.

Tại Hội thảo, các diễn giả và đại biểu tham dự đã tích cực thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung, chủ đề của hội thảo. Kết thúc Hội thảo, đại diện các trường tham gia tổ chức Hội thảo ĐH Illinois Chicago, ĐH Maidol, ĐH Y Đài Bắc, ĐH Sydney, ĐH Y Dược HCM và ĐH Dược Hà Nội đã có bài phát biểu bế mạc và cam kết cùng hợp tác trong tương lai vì một ngành dược an toàn, hiệu quả và hội nhập.

Anh4.jpg

Với 108 năm hình thành và phát triển,Trường Đại học Dược Hà Nội khẳng định sẽ phối hợp với các CSGD trong nước và trông đợi sự ủng hộ, hỗ trợ của các CSGD nước ngoài trong xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo dược bậc đại học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và hành nghề dược tại Việt Nam.


01-04-2022

38 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL