Phản ứng có hại trên da nghiêm trọng do allopurinol ở người Việt Nam: vai trò của các alen HLA và các yếu tố nguy cơ khác – Công bố mới từ nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Phùng Thanh Hương

Allopurinol là một thuốc hạ acid uric máu kinh điển và cũng được biết đến là thủ phạm hàng đầu của các phản ứng có hại trên da nghiêm trọng (SCAR) như hội chứng Steven-Johnson (SJS), hội chứng hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN), hội chứng quá m ẫn toàn thân kèm theo tăng bạch cầu ái toan (DRESS)…Cơ sở dữ liệu báo cáo Cảnh giác dược Việt Nam từ 2010-2015 ghi nhận allopurinol liên quan tới 11,3% các ca SJS/TEN và đứng thứ 3 trong số các thuốc có tín hiệu dương tính SJS/TEN ở Việt Nam. ​

1.png

Một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất liên quan đến SCAR do allopurinol được biết đến trên toàn thế giới là sự có mặt của alen đa hình HLA-B*5801 trong kiểu gen. Điều này giải thích tỷ lệ xuất hiện SCAR sau dùng allopurinol là cao nhất ở các bệnh nhân nguồn gốc châu Á, chủng tộc có tần suất alen HLA-B*5801 là cao nhất. Bên cạnh đó, 2 alen HLA-A*3303 và HLA-C*0302 cũng được phát hiện với tỷ lệ cao trong các bệnh nhân SCAR do allopurinol người Hàn Quốc và Đài Loan. Bài báo này nhằm làm sáng tỏ mối liên quan giữa 3 alen HLA nói trên cùng với các yếu tố lâm sàng khác và nguy cơ SCAR do allopurinol ở người Việt Nam.​ 

2.png

Nghiên cứu bệnh chứng quy mô lớn được tiến hành với 100 bệnh nhân SCAR do allopurinol, nhóm chứng dung nạp tốt gồm 187 bệnh nhân và nhóm chứng cộng đồng gồm 810 người khỏe mạnh. Kết quả cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa 2 alen HLA-B*5801 và HLA-C*0302 với nguy cơ SCAR do allopurinol, có mối liên quan đặc hiệu giữa HLA-B*5801 với SJS/TEN và giữa HLA-C*0302 với DRESS. Phân tích hồi quy đa biến cho thấy có 2 yếu tố nguy cơ độc lập là yếu tố di truyềnHLA-B*58:01/HLA-C*03:02 và suy giảm chức năng thận (eGFR<60 ml/min/1.73m2). Độ đặc hiệu, độ nhạy, giá trị tiên đoán dương và giá trị tiên đoán âm của xét nghiệm HLA-B*5801 cao hơn xét nghiệm HLA-C*0302 cũng như xét nghiệm đồng thời cả 2 alen, đặc biệt ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Các kết quả nghiên cứu cho thấy ý nghĩa của việc xét nghiệm gen HLA-B*5801 trước khi chỉ định allopurinol ở Việt Nam, đặc biệt ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận, nhằm cá thể hóa điều trị để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Rất cần có sự thay đổi trong thực hành lâm sàng khi chỉ định allopurinol nhằm giảm thiểu nguy cơ SCAR như quy trình đã và đang được triển khai thường quy ở nhiều quốc gia khác.

Bài báo là kết quả của đề tài cấp Bộ Y Tế do PGS Phùng Thanh Hương, Bộ môn Hóa Sinh chủ trì, với sự phối hợp giữa trường Đại học Dược Hà Nội với Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm quốc gia về Thông tin thuốc và phản ứng có hại của thuốc.

Bài báo đã được công bố trên tạp chí Pharmacogenomics với chỉ số IF=2,339.​
3.png

Link bài báo chi tiết tại đây: https://www.futuremedicine.com/.../10.2217/pgs-2021-0156.​


28-02-2022

167 0 | A- A A+ | SHARE_ON_FACE_BOOK_LABEL